Ít ai biết rằng, ở Phú Thọ có giống chè tím với công dụng làm giảm kích thước khối u, chống lão hóa, giàu dinh dưỡng… và được coi là khởi thủy của cây chè Việt Nam.
Từ thông tin có được, PV Dân Việt đã không quản mưa gió, ngược đường lên miền trung du Phú Thọ để tìm đến giống chè đặc biệt này.
Theo chỉ dẫn, PV tìm đến gò núi Trưởng thuộc xã Thái Ninh (nay sáp nhập thành xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), nơi gia đình ông Bùi Văn Phi đang có diện tích trồng nhiều nhất, với nhiều cây chè tím cổ thụ mà theo ông Phi không biết được trồng từ bao giờ.
Gặp PV, trong căn nhà nhỏ, thơ mộng giữa bạt ngàn chè, rót ly nước có màu vàng đỏ, ông Phi bảo, trông thì không đẹp mắt lắm đâu, nhưng các anh uống thử thì sẽ biết.
Theo lời của ông Phi, PV cầm ly chè, đưa lên mũi thì thấy mùi thơm dịu ngọt, đưa vào miệng thấy vị đắng đọng tại đầu lưỡi rồi nhanh chóng thấy vị ngọt lan tỏa khắp khoang miệng, từ từ xuống cổ họng và đọng lại rất lâu.
“Giống chè này rất lạ, bắt đầu từ tuần nước thứ 2 mới bắt đầu lên vị thật của nó. Thường thì phải 5 – 6 tuần nước thì vị mới giảm”, vừa rót nước, ông Phi vừa say sưa kể về giống chè được biệt mà thiên nhiên ban tặng cho nơi này.
Lão ông hơn 70 tuổi này cho biết, cho đến nay chưa ai xác định được chính xác cây chè tím có mặt trên đồng đất Thái Ninh từ bao giờ, chỉ biết rằng thế hệ của ông, khi vẫn là trẻ con thì đã thấy trong vườn nhà có những gốc chè cổ thụ, thân xù xì to bằng bắp đùi người lớn.
Nằm nép mình dưới tán keo, giống như tên gọi, PV Dân Việt dễ dàng nhận diện được giống chè độc đáo này bởi búp, lá non, cuống có màu tím vô cùng nổi bật, bắt mắt. Theo những người dân địa phương, chè khi nứt nanh cua hay chính là bật búp sẽ có màu tím ngắt đến lúc thu hái.
Ông Phi bảo, giống chè tím có sức sống dẻo dai, mãnh liệt nhưng cũng khá “khó tính” trong quá trình chăm sóc cũng như thu hái, chế biến. Để sản phẩm cuối cùng thực sự đảm bảo tròn vị bắt buộc phải làm hoàn toàn thủ công, hái tay, sao trên bếp lửa vô cùng cầu kỳ.
Đặc biệt chè tím không nên ướp hương bởi bất kỳ một loại hoa hay hương liệu nào khác, vì như vậy sẽ làm mất mùi vị độc đáo. Cũng chính vì thế nên trà tím có mùi vị đặc trưng riêng.
Không chỉ độc đáo bởi hình dáng, màu sắc, mùi vị mà chè tím còn được người dân đánh giá cao bởi tính năng chữa bệnh của nó. Theo kinh nghiệm dân gian, búp chè tím là “thần dược” chữa các bệnh tiêu hóa, đường ruột, sử dụng giải nhiệt, chống lão hóa rất tốt.
Theo Tiến sỹ Dương Trung Dũng, Đại học Nông – Lâm Thái Nguyên, chủ nhiệm đề tài “Khai thác và phát triển cây chè trung du búp tím”, lâu nay bà con các tỉnh trung du thường đun chè búp tím để tắm cho trẻ sơ sinh và rửa vết thương cho phụ nữ mới sinh.
Chè trung du búp tím có từ lâu đời, phân bố chủ yếu ở hai tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên, là một trong hai biến chủng của giống chè trung du nên phát triển ổn định, có khả năng thích nghi với đất nghèo dinh dưỡng của vùng đồi, thời tiết khắc nghiệt, khô hạn, sâu bệnh…
Cũng theo ông Dũng cho biết, khi phân tích thành phần hóa học, nhận thấy hàm lượng catechin trong chè tím cao hơn nhiều so với chè xanh. Đây là chất có tác dụng ngăn ngừa, đào thải, kìm hãm chất gây ưng thư, giảm kích thước khối u, chống phóng xạ.
Ngoài ra, chè búp tím còn giàu vitamin C – giúp tăng cường đề kháng, chống oxy hóa và các gốc tự do, vitamin B – thúc đẩy quá trình trao đổi carbonhydrate, vitamin E – chống oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa…
Ngoài nét đặc biệt về màu sắc, chè búp tím còn có hương vị đặc trưng là hơi tanh vì chứa kháng sinh và hơi đắng như thuốc Nam.
Ông Dũng cũng cho biết, chè búp tím có giá bán khá cao. Trong khi chè trung du loại thường có giá 60.000 – 70.000 đồng/kg, loại ngon giá 100.000 – 120.000 đồng/kg thì chè búp tím có giá khoảng 500.000 đồng/kg đối với chè Thái Nguyên và 800.000 đồng/kg với chè Phú Thọ.
Còn theo ông Trần Xuân Hoàng – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện Khoa học nông nghiệp miền núi phía Bắc, chè búp tím trung du có 43 biến thể khác nhau như: Tím lá, tím búp, cuống tím lá xanh, cả cuống và lá đều tím, tím phớt hồng, tím tía, tím đen nhưng búp nhỏ mỏng, tím đen nhưng búp to mập đốt ngắn. Chè búp tím trung du Phú Thọ có đặc điểm riêng là lá chè nhỏ, mỏng, thuôn dài, lá và búp màu tím, mặt trên của lá tím nhạt, sau chuyển thành xanh, mặt dưới tím đậm.
Được biết, năm 2003, UBND huyện Thanh Ba từng triển khai đề tài “Nghiên cứu đánh giá năng suất, chất lượng và giải pháp phục hồi giống chè trung du búp tím”. Mục tiêu nhằm phục hồi, mở rộng giống chè trung du búp tím tại xã Thái Ninh, tạo vùng chè đặc sản để sản xuất hàng hoá, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay giống chè quý hiếm này vẫn chưa thể phục tráng.
Bởi vậy, rất mong các nhà khoa học, UBND huyện Thanh Ba tiếp tục nghiên cứu phát triển cây chè tím, đây là cơ sở để xây dựng sản phẩm độc đáo cho địa phương cũng như tỉnh Phú Thọ.
Nguồn: http://danviet.vn/nha-nong/phu-tho-tim-giong-che-tim-duoc-vi-la-cha-de-cua-che-viet-nam-1078610.html