Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định công bố thêm 23 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, thuộc 5 loại hình: Nghề thủ công truyền thống, Lễ hội truyền thống, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian.
Trong đó, tỉnh Phú Thọ có 2 di sản được công nhận là: Lễ Tết nhảy người Dao quần Chẹt, huyện Yên Lập và nghề làm nón lá Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê.
Tết nhảy là nghi lễ cúng Bàn Vương – thủy tổ của dân tộc Dao. Tết nhảy là một lễ hội tu bổ bàn thờ định kỳ, nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần được tổ chức vào tháng 12 âm lịch, mỗi chu kỳ Tết nhảy từ 15 đến 20 năm với mong ước con người sẽ vượt qua mọi gian khổ, đoàn kết chống lại các thế lực làm hại đến đời sống yên lành và cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.
Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt ở huyện Yên Lập là một hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan và những giá trị văn hóa dân gian lâu đời của cộng đồng người Dao.
Theo các cụ cao niên ở địa phương cho biết, nghề nón lá Sai Nga xuất hiện và phát triển từ những năm 1950. Đầu tiên là một số người dân ở làng Chuông (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) tản cư về đất Sai Nga, họ đã mang theo nghề làm nón.
Năm 2004, nghề làm nón Sai Nga chính thức được công nhận là làng nghề. Từ nghề làm nón, đời sống của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt, nhiều hộ gia đình có tiền sắm sửa tiện nghi, vật dụng có giá trị, xây dựng nhà cửa khang trang.
Việc được công nhận thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là niềm vui không chỉ cho các nghệ nhân và bà con huyện Cẩm Khê, Yên Lập nói riêng mà còn là niềm tự hào của nhân dân trong toàn tỉnh.
Theo Hương Giang – https://phutho.gov.vn/vi/phu-tho-co-them-2-di-san-van-hoa-phi-vat-quoc-gia