Cũng như tất cả mọi người dân Việt Nam khác, qua những câu chuyện làng, người dân Phú Thọ tỏ rõ sự yêu mến quê mình, yêu mến và gắn bó bằng cả tấm lòng, cả cuộc đời với làng xóm trong một “tình làng nghĩa nước” sâu đậm.
Phú Thọ có tên cổ sơ là động Phú An. Vào thời Hùng Nghị Vương, bộ lạc Ma tộc cùng con rể Bảo Công xây dựng tại đây một thành luỹ để đề phòng quân Thục gọi là Ma thành. Ma thành ngày ấy có hai làng là Phú An và Trù Mật.
Về sau người ta gọi chung hai làng đó là kẻ Mè. Trải qua quá trình lịch sử phát triển, động Phú An, làng Mè đã lớn lên và tách ra thành các làng mới như Cao Du, Cao Bang. Nơi đây còn ghi lại dấu tích qua các truyền thuyết dân gian cũng như các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể.
Làng Cao Du có đình Cao Du, làng Cao Bang có đình Thư. Ngoài ra, làng Mè ngày xưa còn có các ngôi đền Đõm, một ngôi đền thờ bà chúa Bâng Quâng, một vị thần siêu nhân cai quản dòng nước từ thượng nguồn.
Theo ý thức tâm linh thuở trước, đây là vị chúa có quyền lực đa năng, có thể che chở cho người dân mọi mặt. Chùa Thắng Sơn tên chữ là Thắng Sơn tự, một ngôi chùa nguy nga tráng lệ, thờ Phật Tổ, ngoài chùa có đắp nổi những bức phù điêu nói về cảnh hành hình (cưa đầu xẻ tai) những kẻ gian tham độc ác, có ý răn đe bọn trộm cắp ngày xưa khiến chúng không dám lộng hành.
Ngoài ra phải nói đến đền thờ Đông Hải Đại Vương, đây là đền thờ nằm trong khu vực chợ Phú Thọ hiện nay, về sau nó trở thành đình của làng Cao Du.
Khi thành đình, nó có phối thờ thêm một vị thần thành hoàng nữa là Không Mang Đại Vương. Ông là một người thường, do cái chết của ông bí hiểm và linh thiêng mà được người Cao Du tôn làm Thành hoàng làng.
Đông Hải Đại Vương là một vị thần biển, có nhiều truyền thuyết về ông, người dân kẻ Mè thờ ông, chứng tỏ truyền thuyết ngày xưa biển có từ ngã ba Bạch Hạc rất có thể là hiện thực.
Đền xóm Sở là một ngôi đền nằm ở xóm ngày xưa chuyên làm nghề đánh dầu. Người ta ép những loại hạt có dầu, trong đó chủ yếu là dầu dọc và sở. Dầu dọc để thắp sáng, còn dầu sở dùng để thay mỡ trong chế biến thực phẩm và món ăn, đền nằm trên con đường chính rẽ vào làng Mè ở phía dưới chợ Phú Thọ hiện nay.
Đền Sở thờ một bà lão bán hàng quà nước. Tương truyền bà là người giỏi tướng số, biết vận thịnh suy của con người và xứ sở. Chính bà là người đã báo cho Kiều Công Thuận biết “vận mạng của ông đã hết thời”. Điều đó đã giúp ông cư xử cao đẹp như chúng ta đã biết ở trên. Nhưng di tích về đền thờ Mẫu, đền Trù Mật thờ Kiều Công Thuận đều đặt trên đất Phú Thọ.
Phú Thọ còn có đình Kính Thiên, tuy gọi là đình nhưng đó chỉ là một ngôi nhà ba gian, không rõ thờ tự ai, dân gian nói rằng chỉ là đình trấn ở phía tây kẻ Mè. Đình nằm trên ngọn đồi nhìn ra chợ phường Hùng Vương hiện nay (một ngọn đồi nay thuộc phường Trường Thịnh). Đặc sản văn hóa của kẻ Mè chính là hội đình Thư, nghi lễ xin lửa cầu may và bàn cờ tiên.
Theo P.Đ.T / Báo Phú Thọ