Tại buổi hội thảo, gần 800 em học sinh của Trường Trung học cơ sở Hùng Vương thị xã Phú Thọ đã hiểu được cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngày 29/3/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, nhà khoa học “hỏi gì đáp luôn”, đã mang đến cho thầy và trò Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) một buổi ngoại khóa bổ ích và lí thú.
Trong buổi hội thảo, gần 800 em học sinh của Trường Trung học cơ sở Hùng Vương đã hiểu được cơ hội và thách thức của thời đại công nghiệp 4.0.
Những tấm gương vượt khó mà nhà giáo Nguyễn Lân Dũng đưa ra làm ví dụ đã trở thành niềm cảm hứng cho các em học sinh của trường.
Những câu chuyện kinh nghiệm từ chính cuộc đời làm khoa học, những kiến thức được rút ra từ thực tiễn cuộc sống, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã định hướng cho các em học sinh Trường Trung học cơ sở Hùng Vương một tâm thế, và cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4 (4.0), đồng thời cũng đã chỉ ra những cơ hội, thách thức mà thế hệ trẻ như các em phải đối mặt.
Trong buổi hội thảo, các em học sinh của trường đã chia sẻ nhiều tâm tư với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Em Bạch Hải Hạnh, học sinh lớp 9C với câu hỏi: “Vai trò của người phụ nữ trong thời đại công nghiệp cách mạng 4.0”.
Bằng ví dụ cụ thể, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã chuyền tải tới các em học sinh tấm gương những phụ nữ mặc dù khuyết tật, gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng, tự học hỏi để vươn lên, không những chủ động được cho bản thân mà còn giúp ích rất nhiều cho cộng đồng, xã hội.
Những gương phụ nữ đó đã tự trang bị cho mình kiến thức về công nghệ thông tin, tự tin hòa nhập vào cuộc sống.
Em Đinh Thủy Tiên, lớp 8C đặt câu hỏi: “Theo em thấy, học sinh hiện nay có 2 cách học phổ biến, thứ nhất là khi ở trên lớp chăm chú nghe giảng, hiểu, ghi chép đầy đủ, nhưng về nhà thì lại không ôn bài.
Còn cách học thứ hai là ở trên lớp không nghe thầy cô giảng, khi về nhà lại tự học và tự hiểu bài. Vậy, theo thầy có nhận xét gì về hai cách học này?”
Bằng sự hóm hỉnh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời:
“Cả hai cách học đều vô lí, tại sao nghe thầy cô giảng hay thế mà về nhà lại không chịu ôn bài. Thứ hai, nếu không nghe thầy cô giảng thì về nhà làm sao hiểu được”.
Với những câu chuyện, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã từng bước tháo gỡ, giải thích những thắc mắc của các em học sinh, để từ đó dần định hướng cho các em những suy nghĩ tích cực, vươn lên trong học tập.
Nhiều em học sinh chia sẻ với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, là làm sao để bước kịp với thế giới? Hoặc chúng em phải trang bị cho mình những kiến thức gì để trở thành công dân hiện đại? Chúng em phải làm gì để có thể giúp cho quê hương mình giàu đẹp hơn…Những trăn trở đó của các em đều đã nhận được những câu trả lời thỏa đáng từ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Cũng trong buổi hội thảo, các thày, cô giáo cũng được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng những cuốn sách về dạy cách trồng nấm, sách bí quyết dạy và học môn văn, và sách hướng dẫn để các em học sinh và các thầy cô rèn luyện thể chất.
Đây là những cuốn sách, đồng thời là những công trình nghiên cứu khoa học của chính Giáo sư.
Cuối buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã gặp gỡ các thày, cô giáo của Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, giải đáp những thắc mắc tâm sinh lí học trò, đồng thời đưa ra những góp ý về các phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả nhất đến các em học sinh, để giúp cho các em tiếp thu kiến thức một cách có hiệu quả.
Thày giáo Nguyễn Thanh Đình- Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hùng Vương đã thay mặt các thầy cô giáo, và các em học sinh trong toàn trường, bày tỏ xúc động trước tấm lòng của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dành cho thày và trò của nhà trường.
Thày Nguyễn Thanh Đình cũng gửi lời cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đã tổ chức buổi hội thảo đầy bổ ích dành cho thày và trò Trường Trung học cơ sở Hùng Vương.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thày Vũ Hữu Hiếu- Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Là một trường mới được thành lập năm 2015 trên địa bàn thị xã Phú Thọ- Tỉnh Phú Thọ, nhưng thày và trò Trường Trung học cơ sở Hùng Vương luôn giữ vững kỷ cương, nền nếp dạy và học, cán bộ quản lý, giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có trình độ, năng lực luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn như: Chưa có Quy chế hoạt động cho mô hình trường Trung học cơ sở chất lượng cao, nên chưa có chính sách ưu tiên, đặc thù đối với cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh.
Việc vận động học sinh tham gia một số đội tuyển học sinh giỏi, và học sinh năng khiếu các môn như: Lịch sử, Địa lý, Tin học còn gặp nhiều khó khăn.
Một số giáo viên trẻ, mới vào nghề nên còn ít kinh nghiệm trong giảng dạy, và giáo dục học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đang xuống cấp, nguồn kinh phí phục vụ cho các hoạt động của nhà trường còn thiếu.
Mặc dù vậy, Lãnh đạo nhà trường nghiêm túc thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thị xã về phát triển nhà trường năm học 2018-2019, tổ chức phổ biến cho toàn thể các thầy cô giáo trong nhà trường biết và chủ động cùng nhà trường thực hiện kế hoạch.
Tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thi tuyển vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2018-2019, từ đó thống nhất xây dựng các kế hoạch, phương án phát triển và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục.
Dạy học theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường công tác chỉ đạo, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, phân luồng học sinh, tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo, cũng như tăng cường xây dựng hình ảnh, văn hóa và thương hiệu nhà trường.
Các Tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch cá nhân, của tổ bộ môn và chủ động tổ chức thực hiện kế hoạch của nhà trường. Tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, học đại trà cho học sinh các khối lớp 6,7,8,9 trong những năm học tới”.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo tại Trường Trung học cơ sở Hùng Vương (thị xã Phú Thọ- Tỉnh Phú Thọ).
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.
Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.
Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.
Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Các trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 – 0243.5569666; 0243.5569777.
Email: toasoan@giaoduc.net.vn.
Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.
Theo Tùng Dương / giaoduc.net.vn