Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc, nhất là các nhà nghiên cứu chuyên sâu về thời đại các vua Hùng đều khẳng định: Đền Hùng là ngôi đền cổ nhất ở Việt Nam.
Đền Hùng hiện tại (đầu năm 2017) thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam.
Ngọc phả Hùng Vương
Ngọc phả nói rằng, đời vua thứ sáu là Hùng Huy Vương, cầu được Thánh Gióng là tướng nhà Trời xuống giúp đánh đuổi giặc Ân. Để tạ ơn Trời, nhà vua đã dựng miếu thờ trên đỉnh núi, sau này phiên ra chữ Hán gọi là Kính Thiên lĩnh điện, tức là Đền Thượng.
Như vậy là hơn 3.000 năm trước trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh đã xuất hiện ngôi miếu thờ Trời do Vua Hùng thứ sáu lập nên, một địa chỉ tín ngưỡng cổ nhất Việt Nam.
Dấu tích ngôi đền cổ nhất Việt Nam
Cũng theo Ngọc phả, đời Vua Hùng thứ 18 (Duệ Vương) không có con trai mới thi tuyển rể cho nối ngôi. Tản Viên động chủ Ba Vì là trang nam nhi kiệt xuất đã thắng cuộc được lấy công chúa Ngọc Hoa, nhưng chàng từ tạ không muốn nối ngôi. Bị vua cha ép mãi chàng tạm nhận. Thấy vậy Thục Phán là cháu họ Vua Hùng (làm tù trưởng bộ Tây Vu) đem quân đến tranh ngôi với Tản Viên.
Cuộc chiến tranh Hùng – Thục xảy ra ác liệt nhiều năm. Thục Phán luôn luôn thua nhưng ông ta nhất định không chịu thôi. Cuối cùng Tản Viên khuyên Vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Phán được lên làm Vua cảm kích lên núi Nghĩa lĩnh lập “Lưỡng thạch trụ ư sơn trung” thề rằng đời đời thờ phụng nhà Hùng và giữ gìn đất nước.
Phán dựng miếu thờ 18 đời Vua Hùng trên núi và đón tông tộc nhà vua về ở dưới chân núi giao cho trông nom cúng bái, cắt đất ngụ lộc cho họ từ Việt Trì lên Tuyên Quang. Hiện nay lưỡng thạch trụ vẫn ở trong Đền Hạ. Ngôi đền này đã trải qua thời gian, lịch sử đã mất dấu tích cũ và nhiều lần được xây dựng, trùng tu lại…