Tại Việt Nam, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh, trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ đã trở thành đại diện lọt vào top “50 giáo viên toàn cầu” từ hơn 10.000 ứng viên.
Giải thưởng thường niên này nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.
Năm 2009, Hà Ánh Phượng đạt giải Hoa Trạng Nguyên – giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do bộ GD-ĐT phối hợp với một đơn vị thực hiện. Dù có cơ hội được đi du học, Phượng vẫn quyết định ở lại nước và theo học tại trường ĐH Hà Nội.
Tốt nghiệp cao học với tấm bằng loại ưu, Phượng được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với một mức lương hấp dẫn. Nhưng cô đã từ chối để tiếp tục đi học thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh. Ngày Phượng quyết định trở về quê hương làm cô giáo tiến Anh – trường THPT Hương Cần, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp đều bất ngờ.
Ngôi trường THPT Hương Cần nơi cô giáo Phượng đang giảng dạy những năm gần đây được coi là “điểm sáng trong phong trào đổi mới sáng tạo dạy và học” của tỉnh Phú Thọ.
Dù cho ngôi trường này có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ áp dụng công nghệ thông tin và mạng Internet, cô Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học trực tuyến xuyên biên giới.
Với mong muốn “đưa những học sinh miền quê trở thành công dân toàn cầu”, cô Phượng đã từng bước chứng minh rằng “giáo dục là không giới hạn”.
Không chỉ dạy cho những học trò của mình, cô giáo trẻ còn dành thời gian dạy học miễn phí cho trẻ em tại khu ổ chuột của Ấn Độ, trẻ em ở Nam Phi cho đến các lớp học trực tuyến tại California, Mỹ.
Giờ đây, ngồi trong lớp, học trò của cô Phượng có thể tự tin giới thiệu về những nét văn hoá đặc trưng của người Mường với một thầy giáo Mỹ, nhưng đó không phải là cách giao tiếp truyền thống mà thông qua một buổi học trực tuyến ở hai điểm cầu là Washington và một xã miền núi của Việt Nam.
Học trò của cô cũng không ngần ngại đứng lên thuyết trình trong buổi báo cáo dự án “Nói không với ống hút nhựa”. Đó cũng là một giờ học kết nối hơn 7 quốc gia tới từ 4 châu lục.
Cô giáo Phú Thọ cũng cho rằng, việc đưa giáo dục “xuyên biên giới” giờ đây không còn quá nhiều rào cản. Chỉ với một chiếc laptop được kết nối mạng, giáo viên hoàn toàn có thể đưa học sinh “tới năm châu” mà chi phí không hề tốn kém.
Năm học 2020-2021 bắt đầu khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn. Bản thân cô Phượng cũng chuẩn bị cả phương án dạy học trực tuyến thay vì soạn giáo án thông thường như mọi năm. Cô làm sẵn bài giảng, ngân hàng đề online.
Dù dịch bệnh phức tạp, cô Phượng vẫn tin với phương pháp trực tuyến với sự nỗ lực toàn ngành, giáo dục sẽ phát triển đúng tiến độ và hiệu quả.
Theo Việt Hương: https://www.doisongphapluat.com/giao-duc/chuyen-hoc-duong/co-giao-9x-nguoi-muong-tu-choi-di-du-hoc-nuoc-ngoai-lot-top-50-giao-vien-toan-cau-2020-a337868.html