Hát Xoan (hay còn gọi là Khúc môn đình) là làn điệu dân ca đặc sắc của vùng đất tổ Phú Thọ có từ thời vua Hùng Vương.
Nghệ thuật hát Xoan qua câu hát của bà trùm Nguyễn Thị Lịch gần 50 năm nay vẫn lôi cuốn, mặn mà để lớp trẻ noi theo gìn giữ nghệ thuật quê hương.
Nguồn gốc của nghệ thuật Hát Xoan
Một đời tâm huyết với hát Xoan, “đào Lịch” đã góp phần làm sống lại làn điệu dân ca vốn là đặc sản của vùng đất Tổ.
Nhắc tên bà trùm hát Xoan Nguyễn Thị Lịch, người dân xã Phượng Lâu (Việt Trì – Phú Thọ) hầu như ai cũng biết. Dù đã ngoài lục tuần, nhưng khi nghe chúng tôi nhắc tới nghệ thuật hát Xoan, mắt đào Lịch bừng lên. Bà kể rành rọt về nguồn gốc dân gian của điệu hát Xoan quê mình:
“Vợ Vua Hùng mang thai, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Một hầu gái tâu rằng: Nên đón nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, hát hay, về múa hát sẽ đỡ đau và sinh nở được. Hoàng hậu nghe lời, cho mời Quế Hoa đến. Giọng hát của nàng trong veo như chim hót, suối ngân, tay múa chân đi dẻo như tơ, khiến cho Hoàng hậu quên cả đau và sinh con dễ dàng. Vua Hùng mừng rỡ, hết lời khen ngợi Quế Hoa và truyền cho các công chúa học lấy điệu múa và lời hát ấy.“
Theo các cụ cao niên trong làng, hát Xoan có tên gốc là hát Xuân, nhưng vì trùng tên với thứ phi của Vua Hùng thứ sáu nên phải đọc chệch thành Xoan.
Đời người gắn liền với câu hát
Hội chính của làng An Thái (Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ) nhằm ngày 9 tháng 9 âm lịch. Sáng sớm ngày hội chính, cả làng vây quanh hồ Thiếc, sau 3 hồi 9 tiếng trống thì mọi người ào xuống hồ bắt cá để mang về đình tế thành hoàng.
Hội làng đông vui lắm, đào thì xúng xính quần lĩnh áo thâm, kép thanh nhã cùng áo the khăn xếp, hát Đối đáp, hát Trống quân, hát Xoan (hay còn gọi là Khúc môn đình) bên hồ Thiếc, trước sân đình, ra tận bến đò Ðức Bác. “Cá bé anh phó cho đào/ Cá lớn anh bắt để chào đại vương…”.
Cũng trong không khí hội làng như thế, khi đào Lịch vừa tròn 20, kép Lễ đã ngỏ lời thương với bà. Cuối năm 1970 cặp đào – kép tài sắc ấy nên vợ nên chồng nhưng thời gian họ được bên nhau thật ngắn ngủi.
Ðào Lịch nhớ lại: “Chúng tôi lấy nhau mới được vỏn vẹn 17 ngày thì anh Lễ lên đường nhập ngũ, rồi vào Nam chiến đấu. Ba năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử, ghi anh hy sinh ở mặt trận phía Nam”. Những năm tháng ấy, đào Lịch tưởng không thể vượt qua nổi. Chính câu Xoan nhịp phách đã nâng đỡ 2 mẹ con bà vượt qua khó khăn, sóng gió cuộc đời.
Trong suốt 10 trời thờ chồng nuôi con vò võ, nhiều đêm bà gạt nước mắt một mình. Những lời Đúm giao duyên vẫn hiện về đêm đêm với giọng đào lời kép:
“Ðúm này ta dặn thì nghe.
Ðúm bay cho tới áo the đúm vào.
Ðúm vào người hỏi làm sao
Em là quả Đúm, em vào kết duyên”.
“Tam thanh một cảnh huê cau
Ðôi ta thấp bé lấy nhau cũng vừa
Tam thanh một cảnh huê hò
Lòng anh muốn lấy trọ nhà họ Xoan”.
Mười năm sau, 1 anh bộ đội quê xứ Ðoài đóng quân tại làng đã thương mến bà và ngỏ lời tái hợp. Mẹ chồng thương bà, biết con dâu sức khỏe yếu, không thể đi làm dâu xa, đã ra điều kiện cho người thương bà phải ở tại làng thì bà mới cho lấy. Và ông Tửu – người chồng hiện tại của bà Lịch – đã chấp thuận điều kiện này. Chính vì thế mà bà Lịch vẫn được sống tại làng quê, tiếp tục gắn bó với vùng đất của hát Xoan.
Sau khi lấy nhau, ông Cấn Xuân Tửu – chồng bà Lịch – cũng lại vì nhiệm vụ mà đi xa biền biệt. Mãi đến khi về hưu, họ mới được gần nhau.
Sữ mệnh gìn giữ làn điệu dân ca của trùm phường Xoan
Với Trùm phường Đào Thị Lịch, có sự trùng hợp lạ lùng. Hồ sơ của bà Lịch cũng đã làm “đau đầu” các vị cao niên của phường Xoan và cả hệ thống chính quyền địa phương.
Theo quy chế đã tồn tại lâu đời của phường Xoan, chỉ người đàn ông mới được kế thừa chức trùm phường. Và việc xem xét 1 người phụ nữ cho vị trí kế thừa đầy cao quý và tôn kính này, chưa hề có tiền lệ. Thế nhưng cuối cùng, hồ sơ của bà Lịch cũng đã được cộng đồng và chính quyền địa phương thông qua. Bà Lịch được giao giữ chức Trùm phường Xoan An Thái, 1 trong 4 phường Xoan lõi của Phú Thọ.
Khi hát Xoan trở thành hiện tượng “chưa có tiền lệ” trên nghị trường quốc tế vào cuối năm 2017, khi UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì tại quê nhà, bà Lịch cũng là 1 hiện tượng chưa có tiền lệ của vùng đất Tổ.
Nhiều người dân Phú Thọ tin rằng, bà đã được các “bề trên” chọn để làm trùm phường. “Các Vua Hùng đã giao sứ mệnh này cho bà”- cụ Vũ Hà Hùng, 1 cụ cao niên trong phường Xoan An Thái thủ thỉ.
Đó là về mặt tâm linh, trường hợp của bà Lịch còn có những lý do thuyết phục khác. Cha của bà Lịch là 1 Trùm phường Xoan nổi tiếng đất Tổ – nghệ nhân Nguyễn Tất Thắng. Ông qua đời khi bà Lịch còn là 1 cô bé chưa thành thạo con chữ. Trước khi qua đời, người cha đã đặt vào tay con gái quyển sách có ghi chép đầy đủ 31 bài Xoan cổ, với di nguyện con gái sẽ là người tiếp tục gìn giữ truyền thống của gia đình.
Với 1 cô bé còn chưa biết chữ, đó quả là 1 di nguyện khó hoàn thành! Cô bé Lịch ngày đó, dĩ nhiên chẳng có khái niệm gì về hát Xoan. Nhưng ông nội của cô bé đã âm thầm bên cạnh dạy hát Xoan. Đến năm 13 tuổi, cô bé Lịch đã thực hành được tất cả các bài trong Trạng hát quả cách, 1 trong 3 Trạng chính của hát Xoan.
Trở thành 1 thôn nữ xinh đẹp, đào Lịch mở lớp học hát Xoan đầu tiên, dạy hát Xoan miễn phí cho bất kể ai muốn học. Đào Lịch vẫn đứng lớp cho đến tận ngày nay. Chưa từng thống kê, bà Lịch chỉ biết rằng, hiện học trò của mình có mặt ở khắp các địa phương trong tỉnh Phú Thọ, một số khác thì ở Tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Yên Bái…
Người học trò “cưng” của bà, hiện cũng trở thành nữ trùm phường thứ 2 ở Phú Thọ – nữ trùm phường Xoan Kim Đức, nghệ nhân Nguyễn Thị Nga. Năm 2011, khi hát Xoan được đưa vào danh sách di sản đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp, bà Lịch là 1 trong 7 nghệ nhân ít ỏi còn lại có khả năng thực hành nguyên bản tất cả những điệu Xoan cổ. Đây là nguy cơ cấp bách mà Phú Thọ phải đối diện. Bởi vậy, rất nhanh sau đó, chính quyền địa phương đã khởi động chương trình “Bảo vệ và phát triển những báu vật nhân văn sống”.
7 nghệ nhân này phải đồng thời gánh vác 2 trách nhiệm. Một là, họ phải tiếp tục duy trì hoạt động tại 4 phường Xoan cổ nơi họ quản lý, dưới sự hỗ trợ của chính quyền về cách thức duy trì. Hai là, họ sẽ trở thành giảng viên trực tiếp đào tạo các thế hệ nghệ nhân kế cận theo kế hoạch tổ chức của chính quyền Tỉnh Phú Thọ. “Chúng tôi gọi đây là lớp nguồn chủ nhân di sản”- một chuyên gia về hát Xoan cho biết. Một học viên tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ, khi học viên đó thực hành thành thạo tất cả các điệu Xoan cổ và có khả năng đi truyền dạy như giáo viên của họ.
Hơn 4 năm, đều đặn vào các ngày thứ Bảy, chủ Nhật hàng tuần, bà Lịch lên lớp không thiếu buổi nào, trong khi đó vẫn duy trì lịch sinh hoạt tại phường Xoan An Thái – nơi mà bà đang giữ chức trùm phường. Đã có 68 nghệ nhân kế cận có khả năng đi truyền dạy như bà Lịch được đào tạo trong quãng thời gian này. Ở Tỉnh Phú Thọ có hẳn 1 quy chế phong tặng nghệ nhân hát Xoan, để khuyến khích và ghi nhận sự đóng góp của họ với cộng đồng.
Hát Xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Vào hồi 10 giờ 52 phút giờ địa phương (8 giờ 52 phút giờ Việt Nam) ngày 8.12.2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Comments 1