Trường hợp bệnh nhi sơ sinh là con sản phụ P.T.T (Việt Trì, Phú Thọ), sinh cực non khi chào đời ở tuần thai thứ 23, trọng lượng sau sinh chỉ đạt 480gr.
Theo lời kể của gia đình, bố mẹ cháu hiếm muộn đã 11 năm. Đầu năm 2021, vợ chồng chị T. thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và may mắn có được “quả ngọt”. Tuy nhiên quá trình mang thai của chị rất khó khăn, nhiều lần dọa sảy. Đến tuần thai thứ 18, chị T. vào nằm điều trị dọa sẩy thai, dọa đẻ non tại Khoa Sản 1 của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ và sinh bé vào tuần thai thứ 23.
Sau sinh, trẻ được chuyển đến chăm sóc, điều trị tích cực tại Khoa Sơ sinh. Sau 22 ngày điều trị, trẻ đã có những tiến triển ban đầu rất tích cực, trọng lượng của bé tăng đều và ổn định, đạt 750gr. Tuy nhiên, đây là trường hợp trẻ sơ sinh cực non tháng, nhẹ cân nên việc điều trị, chăm sóc còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chiến lược thở máy, vấn đề điều trị tình trạng còn ống động mạch, chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phổi…
Theo BSCKI.Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Nhi Sơ sinh, việc hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Đại học y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương kết hợp với cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại tương đương với tuyến trên tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị cho các bệnh nhi, nhất là các bệnh nhi sơ sinh cực non tháng. Bởi các đối tượng bệnh nhi này thường ở trong tình trạng bệnh rất nặng, cần được cấp cứu, hồi sức kịp thời để không bỏ lỡ thời gian vàng điều trị. Khi có hội chẩn trực tuyến, bệnh nhi gần như được các bác sĩ đầu ngành tham gia điều trị, hạn chế được việc phải di chuyển và các nguy cơ có thể gây tử vong cho trẻ trên đường đi, từ đó mang lại hiệu quả điều trị lớn cho bệnh nhân.
Với sự đồng tình, thống nhất các chẩn đoán và phác đồ điều trị của các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhi sẽ tiếp tục được điều trị theo phác đồ hiện tại của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, tiếp tục duy trì chiến lược thở máy, duy trì nuôi dưỡng tĩnh mạch cho bệnh nhi. Bệnh nhi tiếp tục được sử dụng thuốc kháng sinh và trong thời gian tới sẽ có phương án cho bé tập ăn để kích thích đường tiêu hóa hoạt động.
Trong bối cảnh mô hình bệnh tật ở các tuyến cơ sở đang chuyển biến rất phức tạp, đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, hội chẩn trực tuyến từ xa được coi là một giải pháp an toàn, nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao, giúp cho người bệnh được kịp thời phẫu thuật, điều trị mà không cần phải chuyển tuyến. Đồng thời cũng mang lại hiệu quả lớn trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở.
Theo Hà Nguyệt – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ