Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải hôm nay cho hay 7 trong số 8 bệnh nhân viêm phổi kết quả xét nghiệm âm tính nCoV.
8 bệnh nhân Vĩnh Phúc này đang được điều trị cách ly. Trước đó 3 người đã xuất viện, bao gồm người phát bệnh đầu tiên Nguyễn Thị Dự 23 tuổi.
Bố của Dự là bệnh nhân mới nhất nhiễm virus corona, ca thứ 11 ở Vĩnh Phúc và là ca thứ 16 tại Việt Nam, ngày 16/2 vẫn còn dương tính với nCoV.
7 người còn lại kết quả xét nghiệm âm tính, trong đó 5 người xét nghiệm hai lần liên tiếp đều âm tính.
Theo ông Hải, các bệnh nhân đã âm tính vẫn đang tiếp tục được lấy mẫu để xét nghiệm nCoV thêm, đảm bảo thực sự khỏi bệnh trước khi xuất viện.
“Nếu không có gì bất trắc, dự kiến có 2 bệnh nhân sẽ xuất viện ngày 17/2”, ông Hải cho biết. Hai bệnh nhân này đang cách ly ở Phòng khám đa khoa Quang Hà, là Phạm Thị Bình 42 tuổi, chị họ của Dự, và Nguyễn Thị Nam, thành viên trong đoàn 8 người Công ty Nihon Plast về từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Ông Hải cho biết thêm, hai người còn lại trong nhóm 8 người công ty Nihon, đến hôm nay cũng có kết quả xét nghiệm âm tính. Như vậy, đoàn 8 người thì có 6 người dương tính với nCoV. Huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, đang trong tâm dịch, vậy nên cả hai trường hợp này vẫn đang được cách ly tại Tam Đảo.
Vĩnh Phúc đang là tỉnh có nhiều người mắc virus corona nhất, với 11 bệnh nhân. Cả nước đến nay ghi nhận 16 ca dương tính, trong đó 7 người đã xuất viện.
Nguồn lây nhiễm ở Vĩnh Phúc là từ một nhóm 8 công nhân Công ty Nihon Plast ở Vũ Hán – tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc, về nước ngày 17/1. Một trong 8 công nhân này là Nguyễn Thị Dự đã lây cho 6 người khác gồm bố, mẹ, em gái, chị họ, hàng xóm, bé 3 tháng tuổi cháu ngoại của chị họ.
WHO đánh giá Việt Nam đang ứng phó tốt dịch corona
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó ngay từ giai đoạn đầu dịch Covid-19.
Theo WHO, ngay những ngày đầu tiên khi Trung Quốc ghi nhận 27 ca viêm phổi cấp lạ tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế Việt Nam đã có chỉ đạo phòng dịch, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cửa khẩu và cộng đồng, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn. Động thái này được cho là vô cùng quan trọng để phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.
Khi Trung Quốc xác nhận trường hợp đầu tiên tử vong do viêm phổi nCoV vào ngày 11/1, Việt Nam nhanh chóng thắt chặt kiểm soát y tế tại cửa khẩu, sân bay. Khách nhập cảnh được kiểm tra thân nhiệt, bất kể ai có biểu hiện ho, sốt, đau tức ngực… có tiền sử dịch tễ liên quan đến vùng dịch đều được cách ly, theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, quản lý chặt chẽ ca bệnh tại các cơ sở y tế.
Số điện thoại đường dây nóng 19003228 của Bộ Y tế cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Các đội phản ứng nhanh được thành lập tại hàng chục bệnh viện lớn và viện quân y, mỗi đội gồm ít nhất hai bác sĩ và xe cứu thương, sẽ cơ động tới mọi địa bàn.
Việt Nam đã làm tốt công tác giám sát, cách ly người nghi nhiễm và điều trị bệnh nhân, ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, theo WHO. Hiện Vĩnh Phúc trở thành điểm nóng dịch bệnh khi số người dương tính với nCoV trên cả nước là 16 người thì có tới 11 người ở Vĩnh Phúc. Tất cả những người có liên quan tiếp xúc gần với người dương tính đều được cách ly, theo dõi.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố lập tức tiến hành phun khử khuẩn các trường học, chợ, bến xe và nơi tập trung đông người. Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch tuyến Trung ương cùng các y bác sĩ chi viện Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên.
16 trường hợp dương tính với nCoV ở Việt Nam được điều trị theo phác đồ Bộ Y tế, hiện 7 người đã khỏi bệnh và xuất viện. Những người còn lại sức khỏe ổn định.
WHO nhận định: “Việc phát hiện sớm, cách ly sớm, điều trị tích cực là điều cực kỳ quan trọng”.
WHO đánh giá năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực theo Điều lệ y tế quốc tế, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ…
WHO gọi đây là “năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp”.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh bởi dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới trong những ngày tới.
Hiện chưa có vaccine phòng Covid-19. Việc sản xuất vaccine đang được tiến hành để các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu sau 3-4 tháng. WHO sẽ công bố danh sách ban đầu các loại vaccine đang được nghiên cứu và có thể tham gia các thử nghiệm lâm sàng.
Để tránh bị nhiễm nCoV, WHO khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh tay và hô hấp cơ bản, thực hiện an toàn thực phẩm. Nếu có thể, cần tránh tiếp xúc gần với những người có những triệu chứng của các bệnh về hô hấp như ho hay hắt hơi.
Những biện pháp không được khuyến cáo trong việc điều trị Covid -2019 bởi chúng không có hiệu quả và có thể gây nguy hiểm là hút thuốc, tự uống thuốc như kháng sinh, đeo nhiều khẩu trang cùng lúc để tối ưu mức bảo vệ.
Nguồn tin: Thúy Quỳnh / https://vnexpress.net/suc-khoe/7-benh-nhan-corona-o-vinh-phuc-xet-nghiem-am-tinh-4055860.html